Bà Ngoại muốn tìm hiểu về khái niệm Cổ Phiếu, chú Ba giải thích về Doanh nghiệp, Vốn điều lệ, Vốn cổ phần, Thặng dư vốn, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, Đại chúng hóa và Niêm yết, Sàn chứng khoán, Cổ phần, Cổ phiếu.
Bà Ngoại: Cổ phiếu là gì vậy thằng Ba?
Chú Ba: Ngoại nay hiện đại hén. Hỏi tới cổ phiếu nữa.
Bà Ngoại: Ngoại thấy mấy đứa nhỏ ở nhà, mấy đứa hàng xóm khi thì rần rần vì đầu tư cổ phiếu thắng, khi thì buồn như nhà mất sổ gạo nên ngoại muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn.
Chú Ba: Vậy để cháu giải thích từ từ. Cháu giải thích về Doanh nghiệp, Vốn điều lệ, Vốn cổ phần, Thặng dư vốn, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, Đại chúng hóa và Niêm yết, Sàn chứng khoán, Cổ phần, Cổ phiếu.
DOANH NGHIỆP. VỐN ĐIỀU LỆ. VỐN CỔ PHẦN.
Bà Ngoại: Doanh nghiệp thì ngoại biết nhiều à.
Chú Ba: Dạ, mình lấy doanh nghiệp Hai Rau Cải của anh Hai làng kế bên ra làm ví dụ cho dễ nhớ nghen ngoại. Hình như lúc đó mấy anh em nhà ngoại cũng có góp vốn.
Bà Ngoại: Ngoại nhớ rồi. Tổng cộng 5 đứa góp: 100 tỷ. Thằng Hai: 60 tỷ. Mấy đứa Tư, Năm, Sáu, Bảy mỗi đứa góp 10 tỷ.
Chú Ba: Dạ đúng. Tổng vốn cổ phần của doanh nghiệp Hai Rau Cải lúc mới thành lập là 100 tỷ.
Bà Ngoại: Ngoại không hiểu điều này. Khi thì nghe mấy đứa gọi là vốn cổ phần, khi thì gọi là vốn điều lệ.
Chú Ba: Dạ, chính xác số vốn 100 tỷ đó, theo kế toán là vốn cổ phần, hoặc vốn góp của chủ sở hữu.
Còn vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.
Vậy nếu doanh nghiệp Hai Rau Cải đã đăng ký vốn điều lệ với Sở Kế hoạch Đầu tư là 100 tỷ rồi thì xem như ổn. Số vốn cổ phần đã góp bằng với vốn điều lệ.
Trong trường hợp doanh nghiệp Hai Rau Cải đăng ký vốn điều lệ với Sở Kế hoạch Đầu tư là 150 tỷ thì Hai Rau Cải phải kêu gọi thêm 50 tỷ trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập công ty, hoặc phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ công ty.
Nói một cách khác, vốn cổ phần, hoặc vốn góp của chủ sở hữu là số vốn thực góp. Còn vốn điều lệ là số vốn mà doanh nghiệp đăng ký với cơ quan chức năng.
Vốn điều lệ là một khái niệm đặc thù của Việt Nam. Thật ra, Nhà nước chỉ cần quy định các doanh nghiệp tham gia các ngành đặc biệt góp đủ số cổ phần tối thiểu theo mức vốn pháp định của loại hình doanh nghiệp đặc biệt đó là đủ chặt chẽ rồi.
VỐN CHỦ SỞ HỮU
Bà Ngoại: Ngoại hiểu rồi. Còn vốn chủ sở hữu là sao nữa vậy Ba?
Chú Ba: Dạ vốn chủ sở hữu gồm có 3 phần chính: 1) Vốn cổ phần, hay còn gọi là vốn góp của chủ sở hữu, 2) Thặng dư vốn, 3) Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Nhưng trong năm đầu thành lập doanh nghiệp, thì chưa có thặng dư vốn và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trong năm đầu tiên, Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Hai Rau cải = 100 tỷ Vốn cổ phần + 0 tỷ thặng dư vốn + 0 tỷ lợi nhuận chưa phân phối = 100 tỷ.
Tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần như sau:
- Hai = 60/100 = 60%
- Tư = 10/100 =10%
- Năm = 10/100 =10%
- Sáu = 10/100 =10%
- Bảy = 10/100 =10%
Bà Ngoại: 100 tỷ mà vẫn không đủ mua sắm nhà xưởng, máy móc. Ngoại nhớ mấy đứa phải làm thủ tục để vay thêm 40 tỷ. Vụ đó cũng vất vả, vì ngân hàng đòi bảo lãnh các thứ.
Chú Ba: Dạ vụ vay, vụ nợ mình nói trong lần sau nghen ngoại. Giờ mình nói tiếp vụ góp vốn.
LỢI NHUẬN SAU THUẾ CHƯA PHÂN PHỐI.
Bà Ngoại: Doanh nghiệp Hai Rau Cải kinh doanh tốt lắm Ba à. Tụi nó mua máy móc xịn, lại trúng mùa, giá bán tốt, thằng Hai quản lý giỏi nên lợi nhuận ngon lắm.
Chú Ba: Cháu có tư vấn cho anh Hai nên biết rất rõ. Doanh nghiệp Hai Rau Cải kinh doanh rất hiệu quả, chỉ mất ba năm để hoàn vốn. Năm thứ tư, doanh nghiệp Hai Rau Cải đã có lợi nhuận khủng. Tích lũy lợi nhuận đến năm thứ năm: 15 tỷ.
Bà Ngoại: Ngon hén. Mới mấy năm mà có lời. Mấy đứa chia nhau tiền lời đã hén.
Chú Ba: Dạ bình thường khi doanh nghiệp đã phát triển ổn định, sẽ chia toàn bộ hay một phần lợi nhuận cho cổ đông gọi là cổ tức. Nhưng những công ty đang trong giai đoạn phát triển sẽ có xu hướng giữ lợi nhuận lại để tái đầu tư cho sự tăng trưởng.
Các cổ đông của Hai Rau Cải đã đồng ý không chia cổ tức, mà giữ lại toàn bộ số lợi nhuận tích lũy này để tái đầu tư: nâng cấp nhà máy, mở rộng hệ thống chi nhánh, nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp.
Bà Ngoại: Vậy toàn bộ 15 tỷ lợi nhuận được tích lũy đến năm thứ 5 sẽ được trở thành vốn của doanh nghiệp phải không Ba?
Chú Ba: Dạ, toàn bộ số tiền này sẽ thuộc về tài khoản “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”, hay còn gọi là Lợi nhuận giữ lại, là một phần của vốn chủ sở hữu.
Như vậy cuối năm thứ 5, Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Hai Rau Cải = 100 tỷ Vốn cổ phần + 0 tỷ thặng dư vốn + 15 tỷ Lợi nhuận chưa phân phối = 115 tỷ.
THẶNG DƯ VỐN CỔ PHẦN. PHA LOÃNG CỔ PHẦN.
Bà Ngoại: Năm thứ sáu, Hai Rau Cải gọi thêm vốn để nâng cấp máy móc. Tao nhớ thằng H đại gia bạn của thằng Hai trước đây không chịu đầu tư bây giờ lại nhất định đòi đầu tư cho được. Thằng Hai kêu giá cổ phần cao lắm, nhưng H vẫn đầu tư.
Chú Ba: Dạ đúng rồi ngoại.
Doanh nghiệp Hai Rau Cải đang có lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng rất tốt nên giá trị của doanh nghiệp được đánh giá cao. Hôm sau con sẽ nói về việc định giá. Nhưng ngoại hiểu thế này, nhờ lợi nhuận và tiềm năng tăng trưởng mà giá trị vốn cổ phần của doanh nghiệp Hai Rau Cải đã được tăng lên, chứ không còn ở mức bằng 100 tỷ nữa.
Sau khi bàn thảo, hai bên đã đồng ý giá trị vốn cổ phần của doanh nghiệp Hai Rau Cải vào lúc đó là 300 tỷ. Tức gấp 3 lần.
Nói một cách khách quan anh H đồng ý đầu tư với giá 3 chấm. Nghĩa là anh H phải trả 3 đồng cho 1 đồng vốn cổ phần của doanh nghiệp Hai Rau Cải. Muốn góp 1 tỷ cổ phần, thì anh H phải đóng cho doanh nghiệp là 3 tỷ.
Bà Ngoại: Mà tại sao là 3 chấm? Sao không phải là 2 chấm, 4 chấm hay 5 chấm?
Chú Ba: Dạ số chấm này tương đương với định giá. Tùy theo tình hình kinh doanh của công ty, tùy theo tiềm năng lợi nhuận mà người ta định giá mấy chấm. Lần sau, cháu sẽ giải thích về vụ này.
Bà Ngoại: Tao nhớ thằng H góp thêm 60 tỷ. Mà quyền thì thua thằng Hai nhiều.
Chú Ba: Dạ đúng rồi. Anh H góp 60 tỷ, theo định giá 3 chấm. Nên số vốn cổ phần của anh H = 60/3 = 20 tỷ.
Tổng số vốn cổ phần của doanh nghiệp Hai Rau Cải = 100 + 20 = 120 tỷ.
Vậy sau đó, tình hình sở hữu vốn cổ phần như sau.
- Hai = 60/120 = 50%
- Tư = 10/120 = 8,33%
- Năm = 10/120 = 8,33%
- Sáu = 10/120 = 8,33%s
- Bảy = 10/120 = 8,33%
- H = 20/120 = 16,67%
Bà Ngoại: À, thì ra vậy. Sau khi đại gia H góp vốn vào thì phần trăm, tỷ lệ sở hữu của Hai, Tư, Năm, Sáu, Bảy đều giảm. Cái này gọi là loãng loãng gì đó phải không?
Chú Ba: Dạ, gọi là pha loãng cổ phần. Khi kêu gọi thêm vốn, thì % sở hữu của những cổ đông cũ sẽ giảm xuống, nên gọi là pha loãng cổ phần.
Bà Ngoại: Cám ơn thằng Ba. Ủa?
Chú Ba: Dạ gì vậy ngoại?
Bà Ngoại: Đại gia H góp 60 tỷ lận mà. Thằng Ba mới tính 20 tỷ vô vốn cổ phần. Còn 40 tỷ kia đi đâu?
Chú Ba: Ngoại đúng là nhạy với tiền. Không sót một đồng nào.
Dạ, 40 tỷ đồng kia chạy vô tài khoản tên là Thặng dư vốn cổ phần.
Khi nhà đầu tư chấp nhận góp vốn với giá cao hơn mệnh giá, thì sẽ có khoản chênh lệch giữa giá mua cổ phần và mệnh giá. Khoản chênh lệch này gọi là thặng dư vốn cổ phần.
Bà Ngoại: Thặng dư vốn 40 tỷ đó, 5 cổ đông cũ Hai, Tư, Năm, Sáu, Bảy được hưởng hả?

Chú Ba: Dạ trong trường hợp này cổ đông cũ không được hưởng đồng nào cả. Chỉ khi nào cổ đông bán cổ phần cho người khác thì họ mới được nhận tiền chuyển nhượng. Còn trường hợp gọi thêm vốn thì cổ đông cũ không được hưởng gì cả mà toàn bộ tiền bán cổ phần sẽ trở thành vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Số 40 tỷ đó sẽ được ghi nhận trong tài khoản thặng dư vốn cổ phần. Đây là một tài khoản con của tài khoản vốn chủ sở hữu.
Tài khoản lợi nhuận giữ lại sau thuế tính đến thời điểm anh H góp vốn là 33 tỷ (phát sinh thêm 18 tỷ trong năm).
Như vậy, sau khi anh H góp xong, thì vốn chủ sở hữu của Hai Rau Cải = 120 tỷ vốn cổ phần + 40 tỷ thặng dư vốn + 33 tỷ lợi nhuận sau thuế giữ lại= 193 tỷ.
Phần 2 tôi sẽ giải thích cho các bạn hiểu về: Quỹ đầu tư doanh nghiệp tư nhân. Đại chúng hóa và niêm yết. Cổ phần. Cổ phiếu các bạn đón đọc nhé.
Thân ái
Thanh Sơn/ Chuyên Gia Tài Chính